Môn Vẽ storyboard

 

Nếu các bạn có quan tâm đến hoạt hình, làm phim thì chắc hẳn phải từng nghe qua thuật ngữ này rồi. Người họa sĩ vẽ storyboard chính là người nắm được ý tưởng xuyên suốt câu chuyện của đạo diễn cũng như đảm bảo cho quá trình hoàn thiện phải truyền tải được ý nghĩa như ban đầu, là người thực hiện trong giai đoạn tiền kỳ nhưng lại giúp định hình cả dây chuyền sản xuất và hậu kỳ sẽ vận hành trơn tru. Vậy storyboard là gì mà lại quan trọng đến thế?

Đoạn trích storyboard của một bộ phim Bollywood.

Storyboard là gì?

Storyboard được cấu thành từ 2 từ là story (câu chuyện) và board (bản vẽ) thường được thể hiện qua các khung vuông nhỏ chứa các hình ảnh gọi là thumbnail, loạt ảnh này liên kết chặt chẽ với nhau bằng góc máy và phác thảo hành động của nhân vật để thể hiện được tổng quát nội dung câu chuyện, cũng có thể nói storyboard chính là kịch bản hình. Storyboard giống như truyện tranh và thường được ứng dụng nhiều vào sản xuất phim truyện, phim hoạt hình, phim ngắn hay các video quảng cáo, video game.

Họa sĩ storyboard là người sắp xếp và truyền đạt ý tưởng của Đạo diễn đến với cả đoàn làm phim một cách ngắn gọn và tiết kiệm thời gian, giúp cho mọi người có cùng chung một ý tưởng với nhau, từ đó giúp công việc sản xuất trở nên suôn sẻ hơn.

Nguồn: Pinterest

Quy trình vẽ Storyboard

1. Yêu cầu về storyboard

Bước đầu tiên chính là nhận yêu cầu của nhà sản xuất đưa ra và phân tích xem họ muốn làm một bộ phim dài hay chỉ một đoạn quảng cáo ngắn, và cụ thể là bao nhiêu giây, về nội dung gì, có các nhân vật nào … 

2. Lên ý tưởng và xác định các cảnh quay

Người họa sĩ storyboard sẽ nắm được cốt truyện của đoạn video và thông điệp muốn truyền tải, từ đó nghiên cứu và lên các ý tưởng để có cái nhìn tổng quan về video. Họ cũng sẽ định hình các ý tưởng về cảnh quay, góc máy và chuyển cảnh, nên có bao nhiêu khung hình, phân cảnh nào chính, phân cảnh nào phụ… Ngoài ra họ cũng phải hình dung sơ bộ về nhân vật, bối cảnh để phát triển câu chuyện cho chính xác.

3. Phác thảo

Sau khi đã được duyệt ý tưởng thì sẽ tiến hành phác thảo, ý tưởng là một phần nhưng để phác thảo nó được ra giấy lại là một vấn đề khác. Storyboard không cần chi tiết nhưng phải “rõ ràng”, đảm bảo truyền tải được một thông tin nhất định nào đó trong mỗi khung hình. Giai đoạn này sẽ tốn công sức vì mọi thứ dường như không tồn tại cho đến khi vẽ nó ra, họ phải thể hiện được trí tưởng tượng của mình thành hình ảnh cụ thể. Các bản phác thảo sẽ luôn phải sửa đi sửa lại nhiều lần sao cho liền mạch và chặt chẽ nhất có thể.

Nguồn: ethos3.com

4. Chỉnh sửa và thêm thông tin cần thiết

Mỗi người sẽ có cách trình bày storyboard khác nhau nhưng ngoài việc thể hiện bằng hình ảnh, người họa sĩ có thể ghi chú thêm thông tin cho từng khung hình cũng như lời thoại nếu có. Từ đó sẽ dễ dàng trong việc trao đổi lại với phía nhà sản xuất và các giai đoạn sản xuất sau này.

Nguồn: animoto.com

Họa sĩ Storyboard sẽ làm việc cùng ai?

Họa sĩ storyboard sẽ thường làm việc với đạo diễn để hiểu được cốt truyện, nắm được ý đồ chính mà đạo diễn hoặc nhà sản xuất muốn làm. Sau đó phác thảo và làm việc với đội ngũ làm phim để đảm bảo hình ảnh cuối cùng vẫn thể hiện được ý nghĩa ban đầu.

Các kỹ năng cần có để làm Storyboard

Kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh

Kể chuyện bằng chữ thì dễ nhưng để biến chúng thành hình ảnh sẽ rất khó, cùng một câu chuyện nhưng cách kể khác nhau sẽ đem đến trải nghiệm khác nhau cũng như tạo ra sự cuốn hút riêng và giúp kết nối được với khán giả.

Kỹ năng phác thảo vẽ tay

Storyboard cũng chỉ ở mức phác thảo, không cầu kỳ chi tiết, tuy nhiên kỹ năng vẽ tay tốt cũng sẽ là lợi thế cho bạn. Bạn sẽ không muốn hình vẽ của mình bị hiểu nhầm theo ý đồ khác đúng chứ, hoặc ít nhất phải làm rõ được tiêu chí rõ ràng trong từng bức hình của mình.

Am hiểu về bố cục và ánh sáng

Đây là yếu tố không thể thiếu để tạo nên không khí cho một câu chuyện bởi storyboard không chỉ sắp xếp hoạt động nhân vật làm gì trong từng khung hình mà còn là sự tương tác của họ với môi trường xung quanh, với bối cảnh và không gian xung quanh.

Kiến thức về điện ảnh, góc máy, chuyển cảnh

Bạn sẽ cần những kiến thức này để tạo ra các hiệu ứng quan trọng, một góc nhìn bao quát hay góc nhìn cận cảnh vào nhân vật, góc nhìn từ dưới lên hay từ trên xuống đều sẽ tạo ra cảm xúc khác nhau. Việc chuyển cảnh cũng sẽ giúp câu chuyện được mạch lạc và có tính logic.

Hiểu về diễn xuất, tâm lí nhân vật

Kỹ năng này sẽ rất cần thiết để miêu tả nhân vật trong các bộ phim, hiểu về diễn xuất và tâm lý để câu chuyện tự nhiên hơn cũng như có sự phác thảo đúng nhất về hành động hoặc trạng thái gương mặt của nhân vật trong từng cảnh quay. Nếu nhân vật làm các hành động bất hợp lý sẽ khiến người xem ngắt quãng cảm xúc và thấy khó chịu.

Giao tiếp và làm việc nhóm

Bạn sẽ cần có sự giao tiếp để trao đổi về các ý tưởng cũng như chỉnh sửa phác thảo, nội dung và làm việc cùng mọi người để cho ra thành phẩm cuối cùng hoàn hảo nhất.

Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.
← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ