Môn Thiết kế sinh vật

 

Nếu bạn từng đọc Harry Potter hoặc các câu chuyện về Thần Thoại Hy Lạp chắc hẳn bạn sẽ rất ấn tượng với các sinh vật kỳ bí trong đó. Chúng có thể là bất cứ con vật gì, mang vẻ ngoài đáng sợ như chó ba đầu Cerberus, tử xà Basilisk hay Medusa cho đến một vẻ ngoài lộng lẫy như phượng hoàng, rồng hay các loại thần thú. Chính những tạo hình sinh vật lạ mắt này sẽ gây nên sự tò mò cho khán giả, khiến chúng luôn cuốn hút và ấn tượng theo một cách nào đó, vì thế mà lĩnh vực thiết kế sinh vật dù khó khăn nhưng vẫn tiềm năng và phát triển.

Nguồn: songhorn.com

Thiết kế sinh vật là gì?

Thiết kế sinh vật là tạo ra những sinh vật có thật hoặc tưởng tượng, không có thật, ở bất kì hình dạng nào miễn có tồn tại sự sống. Ngoài họa sĩ thiết kế nhân vật, bối cảnh thì người thiết kế sinh vật cũng có vai trò không thể thiếu giúp tạo nên những thực thể đa dạng hơn, nhất là với những nội dung liên quan đến sự ma mị, huyền bí, thần thoại, siêu nhiên dùng để ứng dụng vào game, truyện và phim. Thiết kế sinh vật đòi hỏi sự sáng tạo là không giới hạn nhưng vẫn phải hợp lý về chức năng cũng như giải phẫu và sự di chuyển của chúng, một số sinh vật cũng cần thể hiện biểu cảm, thậm chí trang phục, phụ kiện để phù hợp với nội dung câu chuyện.

Quy trình thiết kế sinh vật

1. Tạo hồ sơ sinh vật

Từ kịch bản, người họa sĩ sẽ xây dựng một hồ sơ về sinh vật cần tạo ra. Ví dụ bối cảnh trong phim/ game là ở đâu, sinh vật cần có tính cách như thế nào, sống ở môi trường gì, là một dạng sinh vật nhỏ bé vô hại hay là loại khổng lồ khát máu hung dữ … Tùy vào nội dung câu chuyện mà sinh vật sẽ có chức năng khác nhau, cũng như điểm mạnh và điểm yếu của chúng, từ đó có sự tương tác với các nhân vật trong truyện. Một hồ sơ sinh vật càng rõ ràng sẽ giúp cho quá trình phác thảo dễ dàng hơn.

Nguồn: Pinterest

2. Nghiên cứu và tham khảo

Vì sinh vật là một dạng thực thể khác với nhân vật thường là người hay thú nên cần có giai đoạn nghiên cứu thật kỹ, từ các sinh vật trong truyền thuyết đến các sinh vật có thật và cả những sinh vật đã được tạo ra sẵn ở các phim/ truyện khác. Bên cạnh việc nghiên cứu về các yếu tố bên ngoài thì người họa sĩ còn cần nghiên cứu về khung xương và giải phẫu bên trong để đảm bảo sinh vật vẫn hoạt động, di chuyển một cách mượt mà.

Nguồn: Pinterest

3. Phác thảo

Sau khi đã thu thập lượng thông tin và nghiên cứu đầy đủ thì họ sẽ tiến hành phác thảo sinh vật. Chúng có thể là quái vật, yêu tinh nhưng cũng có thể là thần thú, tinh linh, từ kích thước khổng lồ cho đến nhỏ bé, từ dáng vẻ thần thái đáng sợ cho đến oai phong, lẫm liệt. Vì là những thực thể đa dạng nên chúng có thể được tạo ra từ bất kỳ hình khối nào, số lượng bộ phận hoặc là sự kết hợp của nhiều con vật mà không bị giới hạn. Một số sinh vật được tạo thành lấy cảm hứng từ các nguyên tố về khoa học, như lửa, nước, đất, không khí và tạo hình dựa trên chính các đặc trưng của nguyên tố đó. 

4. Thêm chi tiết

Người họa sĩ sẽ chọn lọc lại từ hàng trăm, hàng ngàn bản phác thảo để có thể lên chi tiết. Từng chi tiết phải được thể hiện một cách rõ ràng tạo nên thần thái của sinh vật, như đôi mắt, bộ lông, đôi cánh, các chi tiết thường được phóng đại hoặc thay đổi tỉ lệ so với bình thường nhằm gây sự độc đáo, lạ mắt và ấn tượng. Đây là giai đoạn người họa sĩ sẽ xem xét lại cấu tạo về mặt giải phẫu để khiến chúng di chuyển và hoạt động được, cũng như xây dựng các góc nhìn khác nhau của từng sinh vật.

5. Màu sắc và phụ kiện

Để biến hóa các sinh vật trở nên sống động sẽ cần màu sắc, hiệu ứng và phụ kiện đi kèm, các phụ kiện sẽ quyết định chức năng hoặc sức mạnh của chúng. Đồng thời một bản thiết kế sinh vật hoàn thiện còn cần đặt nó vào môi trường sống và không gian xung quanh, công đoạn này sẽ kết hợp cùng họa sĩ thiết kế bối cảnh.

Các kỹ năng cần có để thiết kế sinh vật

Kiến thức về tỉ lệ và giải phẫu học

Bạn sẽ cần nắm được các tỉ lệ và giải phẫu cơ bản của người và thú, từ đó áp dụng cho các loại sinh vật, dù chúng mang vẻ ngoài khác lạ nhưng vẫn đảm bảo hệ khung xương bên trong thì mới có thể di chuyển được.

Tạo hình

Một vẻ ngoài cứng cáp, mềm yếu hay sự uy dũng, đáng sợ đều thể hiện bằng tạo hình (ngoại trừ một số sinh vật được tạo hình ngược lại so với bản chất của chúng). Bạn sẽ phải trau dồi khả năng dùng hình khối để tạo hình sinh vật, mỗi hình khối, đường nét đều mang ngôn ngữ riêng và phải có chủ đích.

Kiến thức về vật lý, sinh học, khoa học, địa lý

Ngoài việc tạo ra sinh vật hợp lý về cấu tạo cơ thể, bạn còn phải am hiểu về sinh học, khoa học để tạo ra chức năng cho chúng. Như một loài sinh vật bay được phải có đặc điểm như thế nào, khi chúng dưới nước hoặc trên cạn sẽ tác động thế nào đến chức năng và tạo hình của chúng.

Kỹ năng vẽ

Hiển nhiên bạn vẫn cần kỹ năng hội họa về cả vẽ tay, vẽ máy, tả chất liệu trên cơ thể sinh vật, cách dùng ánh sáng và màu sắc.

Sáng tạo

Sự sáng tạo là không giới hạn khi thiết kế sinh vật, ví dụ một sinh vật biết bay không phải chỉ có mỗi ý tưởng là đôi cánh, một sinh vật dưới nước thì không hẳn phải là cá … Bạn sẽ cần tham khảo và luyện tập rất nhiều để thúc đẩy sự sáng tạo.

Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.

← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ