Bố cục trong mỹ thuật

Một trong những nguyên tắc cơ bản tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đó là bố cục. Dù ở lĩnh vực nghệ thuật nào, hội họa, nhiếp ảnh hay quay phim… thì bố cục và nguyên tắc bố cục đều được vận dụng một cách linh hoạt. Vậy tại sao bố cục lại quan trọng đến vậy? Cùng Sine Art giải đáp thắc mắc đó trong bài viết dưới đây.

Bố cục là gì?

Bố cục trong nghệ thuật (composition) là cách sắp xếp những hình ảnh, sự vật, đối tượng trong khung cảnh đó sao cho hài hoà và hợp lý nhất, tạo cảm giác cho người xem và thông qua đó, truyền tải cảm xúc hay câu chuyện mà tác giả muốn gửi gắm tới. Không có một quy tắc cố định nào cho sự sắp xếp bố cục, tuy nhiên có những nguyên tắc về bố cục mà các nghệ sĩ sử dụng linh hoạt cho các tác phẩm của mình. Và dưới đây là 10 nguyên tắc về bố cục trong nghệ thuật.

tranh minh họa các bố cục cơ bản trong nghệ thuật

Một vài bố cục cơ bản trong nghệ thuật - Ảnh: Internet.

1. Bố cục tương phản (contrast)

Bố cục tương phản là sắp xếp những đối tượng có đặc điểm trái ngược ở cạnh nhau. Các nghệ sĩ sử dụng các yếu tố khác nhau theo ý đồ của họ để tạo ra độ tương phản như bóng, ánh sáng, màu sắc, kích thước và bố cục.

Có thể coi tương phản là quy tắc vàng để sáng tạo nghệ thuật khi nó là một trong những công cụ tốt nhất để thu hút người xem và truyền tải những ý nghĩa, thông điệp tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Các nghệ sĩ có thể sử dụng ánh sáng và bóng tối, các màu sắc, kích thước tương phản hay thậm chí là đối tượng tương phản.

ảnh chụp một người đàn ông và những chú chim bên bờ hồ

Sự tương phản trong bức ảnh được thể hiện qua hai hai sắc độ đen và trắng. 

2. Không gian dương (positive space)

Không gian dương là một thuật ngữ dùng để chỉ các khoảng mà tác giả muốn nhấn mạnh vào nó. thường không gian dương sẽ thể hiện chủ đề của tác phẩm như con người, phong cảnh hay đồ vật. Nếu biết sử dụng linh hoạt bố cục về không gian dương, mắt chúng ta sẽ tự nhiên bị thu hút vào chúng. Hiểu cách sử dụng không gian dương có chủ ý có thể giúp bạn truyền đạt được những ý nghĩa trong tác phẩm đối với người xem thông qua bố cục của mình. 

tranh vẽ một ngọn sóng của họa sĩ người Nhật Bản

Tranh vẽ của họa sĩ người Nhật Bản

3. Không gian âm (negative space)

Trái ngược với không gian dương khi tập trung vào các đối tượng chính tạo điểm nhấn, không gian âm được sử dụng để đơn giản hóa hình ảnh và thường sẽ bao quanh không gian dương. Ta có thể hiểu đó là những khoảng trắng, nó thường trống và đơn giản, hướng sự chú ý của ta vào các chi tiết, đối tượng chính. Không gian âm có thể được sử dụng để tạo hiệu ứng, nhiều nghệ sĩ lấy góc máy từ xa hơn, điều đó làm cho các đối tượng nhỏ hơn trong khung và tạo không gian xung quanh chúng.

ảnh chụp hai người trong một núi tuyết

Dễ nhận thấy không gian âm chiếm phần lớn diện tích bức ảnh.

4. Làm đầy khung hình (fill the frame)

Đây là kỹ thuật sắp xếp bố cục sao cho phần không gian dương chiếm phần lớn hoặc toàn bộ khung hình. Về cơ bản, phần không gian âm gần như không có hoặc bị loại bỏ hoàn toàn. Thường với bố cục “fill the frame”, họ sẽ đóng khung cận cảnh, thể hiện đối tượng ở khoảng cách gần và rõ nhất. Có thể sử dụng ống kính thu phóng, ống kính macro nếu chụp ảnh hay quay phim, hoặc cắt xén hình ảnh trong khi chỉnh sửa. Kỹ thuật này được sử dụng để hướng sự chú ý của người xem hoàn toàn vào chỉ đối tượng đó, tập trung vào các chi tiết và thể hiện cảm xúc. Đôi khi, kỹ thuật này có thể tạo ra những tác phẩm mang hiệu ứng thị giác rất tốt.

ảnh chụp cận cảnh một con mắt

Ảnh chụp cận cảnh con mắt - Ảnh: Internet.

5. Cân bằng hướng tâm (Radial Balance)

Cân bằng hướng tâm là một trong những bố cục mang lại những trải nghiệm thị giác tuyệt vời cho người xem. Bởi nó hướng sự chú ý của thị giác vào một điểm duy nhất. Cân bằng hướng tâm giúp tạo thêm chiều sâu, gợi lên cảm giác chuyển động và tạo tiêu điểm trong ảnh, tạo sự hài hào về thị giác. Cân bằng hướng tâm có thể bắt gặp trong tự nhiên như các xoáy nước, như khi ta thả một hòn đá xuống nước sẽ tạo ra những gợn sóng…

ảnh chụp bên trong một mái vòm tòa nhà với những ánh đèn tạo hiệu ứng cân bằng hướng tâm

Các kẽ hở tạo ra những vệt sáng theo hình vòng tròn chụm lại trên đỉnh mái vòm, tạo chiều sâu cho bức ảnh - Ảnh: Internet.

6.  Sự đơn giản (Simplicity)

Nếu cân bằng hướng tâm mang lại những hiệu ứng bắt mắt, thì “Simplicity” hay trong tiếng Việt là sự đơn giản đôi khi lại mang tới những trải nghiệm thị giác độc đáo. Tùy vào những trường hợp hay khung cảnh khác nhau, nó có thể mang tới những xúc cảm khác nhau.

một khung cảnh trong bộ phim Blade Runner 2049

Một cảnh trong bộ phim Blade Runner 2049.

Không nên nhầm lẫn sự đơn giản với sự sơ sài. Những bức tranh, bức ảnh hay những bộ phim dù đơn giản nhưng vẫn mang nhiều tầng ý nghĩa phức tạp.

7.  Quy tắc 1/3 (Rule of Thirds)

Trong quy tắc một phần ba, ta chia khung hình ra thành ba phần, dùng hai đường kẻ ngang và kẻ dọc (hình bên dưới). Khung lưới tạo ra 9 phần bằng nhau và 4 điểm giao nhau. Chủ thể được đặt lệch về 1 trong 4 điểm giao cắt và tạo thành bố cục 1/3. Bố cục lệch tâm sẽ hướng sự chú ý của mắt tới chủ thể vì đó thường là nơi mà mắt nhìn đến đầu tiên. Nó mang đến cho người xem khả năng tương tác với giữa các đối tượng với không gian. 

tranh vẽ một bụi cây cỏ lệch về phía bên trái, với bố cục một phần ba

8. Bố cục đối xứng (Symmetry)

Trong bố cục đối xứng, các chi tiết được sắp xếp sao cho đồng đều nhất, cả bên trái và bên phải, bên trên và bên dưới, có thể coi đó là hình ảnh phản chiếu của một nửa tác phẩm nghệ thuật trên nửa kia. Mắt chúng ta thường sẽ bị thu hút vào điểm giữa trong bố cục đối xứng, các nghệ sĩ sẽ tận dụng điểm này để điều hướng sự chú ý của thị giác người xem. Để biết một tác phẩm nghệ thuật có sử dụng bố cục đối xứng hay không, ta kẻ một đường ở giữa và so sánh các chủ thể, các chi tiết, phần không gian dương và không gian âm. Nếu chúng đồng đều với nhau thì đó là bố cục đối xứng. Kỹ thuật này được sử dụng để tạo sự ổn định hoặc tạo điểm nhấn trong bố cục.

tranh vẽ trang trí hình vuông với họa tiết đối xứng với hai sắc độ đen trắng

Một bài vẽ trang trí họa tiết với bố cục đối xứng - Ảnh: Internet.

9. Cân bằng bất đối xứng (Asymmetrical Balance)

Cân bằng bất đối xứng là sử dụng các chi tiết có sự chênh lệch nhau về trọng lượng, được sắp xếp đối xứng nhau để tạo cảm giác cân bằng. Tùy vào người nghệ sĩ lựa chọn không gian âm/ dương thế nào, màu sắc họ sử dụng ở hai phần ra sao… sẽ mang lại những hiệu quả nghệ thuật thị giác khác nhau.

Cân bằng bất đối xứng thể hiện được sự đa dạng về mặt hình ảnh, gợi lên cảm giác chuyển động và tạo ra sức hấp dẫn đối với một không gian cụ thể trong một bố cục. 

tranh vẽ phong cảnh với bố cục cân bằng bất đối xứng

Ảnh: Internet.

10. Tỉ lệ vàng (Golden Ratio)

Tỉ lệ vàng còn được gọi là Tiết diện vàng, là một nguyên tắc toán học được vận dụng trong nghệ thuật. Nhiều người cho rằng đây là tỷ lệ dễ chịu nhất đối với mắt người. Do đó, được ứng dụng nhiều vào thiết kế kiến trúc hay hội họa. Trong hội họa thời kì Phục Hưng - thời kì đỉnh cao về nghệ thuật có rất nhiều tác phẩm sử dụng bố cục tỉ lệ vàng như Monalisa của Leonardo Da Vinci, Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của Johannes Vermeer hay ở Việt Nam có tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của nghệ sĩ Tô Ngọc Vân,...

tranh vẽ thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của danh họa nổi tiếng người Hà Lan Johannes Vermeer ứng dụng bố cục tỉ lệ vàng

Bức họa "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai" của danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer.

Bố cục trong nghệ thuật có vai trò vô cùng quan trọng, đó là chìa khóa để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, hay thậm chí là kiệt tác trong giới mỹ thuật. Chính vì tầm quan trọng và được ứng dụng nhiều vào thực tiễn, hiện đây là bộ môn được giảng dạy tại nhiều chuyên ngành mỹ thuật ở Việt Nam. 

Nếu bạn đang theo đuổi ước mơ vào trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM hay các trường mỹ thuật khác, bạn có thể tham khảo các khóa Luyện thi Trang trí màu, Luyện thi Hình họa Luyện thi Bố cục màu. Với lộ trình được xây dựng bài bản từ cơ bản tới nâng cao, Sine Art hy vọng được đồng hành cùng bạn trên hành trình chạm ngưỡng cửa đại học mơ ước. 

Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.

← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ