Môn Thiết kế background

 

Cảnh quan (còn gọi là Background) là những hình ảnh miêu tả không gian xã hội, thế giới được sử dụng cho truyện hoặc phim hoạt hình. Bên cạnh cốt truyện, nhân vật thì sự tinh tế và tỉ mỉ trong từng bối cảnh khung hình cũng tạo nên sự thành công, không chỉ khiến hình ảnh phim đẹp hơn mà còn tác động đến cảm xúc của người xem. Bối cảnh sẽ bao gồm không gian tự nhiên (bầu trời, núi non, rừng rậm, sa mạc, sông ngòi, …), không gian xã hội (nhà cửa, trường học, khung cảnh thành phố, nhà cao tầng …) và cả không gian tưởng tượng (lâu đài, dưới đáy biển, các khung cảnh không có thật, xuyên không …).

Họa sĩ thiết kế cảnh quan (background artist) là người vẽ cảnh quan cho truyện hoặc một cảnh phim hoạt hình, vì vậy họ cần có sự hiểu biết nhiều về không gian xung quanh để tạo nên những hình ảnh chân thực nhất cùng với kỹ năng tả chất liệu, ánh sáng, màu sắc, từ đó mang lại các khung bậc cảm xúc đa dạng hơn.

Quy trình của việc thiết kế cảnh quan?

1. Nghiên cứu

Việc đầu tiên của một background artist là tìm hiểu về phim hoặc truyện mà mình sẽ làm. Bất cứ quy trình của nghề nào cũng vậy, sẽ phải nghiên cứu về đề bài đặt ra, đặt các câu hỏi như phim này dành cho đối tượng nào, nội dung phim tươi sáng hay âm u, kinh dị hay thần thoại, bí ẩn, từ đó bối cảnh cho phim sẽ cần mang phong cách gì và gồm những khung cảnh như thế nào. Ví dụ một cuộc phiêu lưu trong rừng thì người họa sĩ sẽ cần nghiên cứu về các thể loại rừng, các loại cây có trong rừng, ánh sáng và màu sắc trong rừng, ban ngày sẽ khác ban đêm ra sao và làm cách nào mang lại cảm xúc khác nhau trong cùng một khu rừng đó. 

2. Vẽ thumbnail (hình phác thảo nhỏ)

Thay vì bắt tay vào phác thảo liền thì lúc này người họa sĩ sẽ thông qua bước vẽ thumbnail để thể hiện một cách đơn giản bố cục khung hình và sắc độ chính. Thumbnail sẽ giúp định hình ý tưởng về các bố cục khác nhau một cách bao quát, tổng thể nhất dưới dạng những hình ảnh rất nhỏ nên họ có thể đưa ra nhiều ý tưởng để chọn lựa và cân nhắc.

3. Phác thảo

Sau khi chọn được thumbnail với bố cục và sắc độ ưng ý nhất, người họa sĩ sẽ tiến hành phóng to thumbnail và phác thảo nét trong bố cục đó. Họ sẽ phác thảo về không gian cũng như phối cảnh và các đồ vật có trong không gian đó. 

Nguồn: Pinterest

4. Lên chi tiết

Đây là giai đoạn lên kỹ về chi tiết cho các bản phác thảo và có thể vẽ viền nét nếu cần. Khi bắt đầu vẽ vào chi tiết, họ sẽ phải xem lại phối cảnh và đong đếm tỉ lệ cho chính xác để tránh sai lệch và bỏ sót chi tiết. Tùy theo phong cách của phim mà việc lên chi tiết sẽ đơn giản hoặc phức tạp, ví dụ một số phim chỉ cần vẽ bụi cỏ là một khối tròn trong khi một số phim khác sẽ yêu cầu tỉa kỹ cả những chiếc lá. Để chắc chắn hoàn thiện một khung cảnh, họ sẽ phải kiểm tra và sửa đi sửa lại nhiều lần.

5. Màu sắc

Trước khi lên màu cho bối cảnh, cũng sẽ qua một giai đoạn gọi là phác thảo màu. Giai đoạn này người họa sĩ sẽ quay lại các hình vẽ thumbnail đơn sắc và chọn gam màu chủ đạo cho nó, tương tự họ có thể đưa ra nhiều phương án khác nhau cho từng gam màu. Ví dụ một khung cảnh u ám kinh dị sẽ chuộng màu đỏ hoặc tím trầm, còn khung cảnh tươi sáng sẽ dùng vàng hoặc cam, tùy theo cảnh quay và cảm xúc muốn truyền tải mà họ sẽ chọn lựa gam màu thích hợp cộng với độ tươi trầm của màu đó. 

Nguồn: Pinterest

Thêm ánh sáng và hiệu ứng

Nếu ở bước trên chỉ là các mảng màu phẳng để hình dung được gam màu chủ đạo thì ở bước này sẽ cần thêm ánh sáng và hiệu ứng để hoàn thiện. Dù là khung cảnh ngày hay đêm cũng cần ánh sáng để thêm phần lung linh, nhất là đối với các phim tưởng tượng hoặc có yếu tố phép thuật thì việc thêm hiệu ứng sẽ làm nổi bật được nhân vật và sự ma mị của họ. Cùng là một khung cảnh nhưng sự thay đổi ánh sáng sẽ tác động rất lớn đến cảm xúc của nhân vật. 

Nguồn: Pinterest

Những kỹ năng cần có để làm thiết kế cảnh quan

Kỹ năng vẽ

Tất nhiên bạn sẽ cần có kỹ năng về hội họa và mỹ thuật, đồng thời am hiểu về bố cục, sắc độ, đặc tả chất liệu, sử dụng ánh sáng và màu sắc trong kể chuyện.

Quan sát

Để vẽ lại được các bối cảnh chân thực đến từng chi tiết đòi hỏi bạn cần có sự quan sát và luyện tập rất nhiều, dù là những đồ vật nhỏ nhất xung quanh mình. Việc liên tục trau dồi khả năng quan sát sẽ giúp ích cho ngành này rất nhiều.

Thành thạo về phối cảnh

Khi thiết kế không gian, nhất là các khung cảnh về nhà cửa trong thành phố sẽ phải tuân theo luật phối cảnh, từ đó bạn cần biết về phối cảnh 1 – 2 điểm tụ thông thường và cả 3 điểm tụ hoặc phối cảnh mắt cá để tạo ra các bố cục rộng lớn hơn, nhiều chi tiết hơn.

Có các phong cách vẽ khác nhau

Tùy vào từng dự án phim sẽ yêu cầu phong cách khác nhau, từ đó bạn cũng phải vẽ được nhiều phong cách thì sẽ thích nghi linh hoạt được.

Kiến thức về hoạt hình và điện ảnh

Kiến thức này rất cần thiết, để hiểu về góc máy, hiệu ứng điện ảnh, ngôn ngữ hình ảnh, cách kể chuyện qua hình ảnh,…

Làm việc nhóm

Nếu vẽ background cho truyện tranh thì người họa sĩ có thể tự làm một mình còn với một dự án phim hoạt hình thì họ sẽ phải làm việc với đạo diễn hình ảnh, bên thiết kế nhân vật và cả trong team background (nếu có nhiều người cùng vẽ bối cảnh) để đảm bảo thống nhất phong cách và nét vẽ qua các cảnh phim.

Sử dụng phần mềm

Các công đoạn làm phim đều sẽ diễn ra trên máy cùng những công nghệ kỹ xảo mới nhằm nâng cao chất lượng phim, do đó bạn sẽ phải dùng đến bảng vẽ điện tử và thành thạo các phần mềm để thao tác các hình ảnh digital.

Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.

← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ