Môn Thiết kế nhân vật

 

Bạn có từng ấn tượng với nhân vật phim truyện nào không, là người máy Doreamon với vô vàn bảo bối hay Wall-E một người máy có tình cảm con người và biết yêu, hay chỉ là một chú chuột nhưng Remy trong Ratatouille lại có khả năng nấu nướng siêu phàm… Bạn có thấy bị thu hút bởi các nhân vật đó không, và mỗi một nhân vật sẽ luôn phải trải qua cuộc hành trình để tự lớn lên, từ đó nổi bật nên tính cách và đưa ra được thông điệp ý nghĩa. Vậy thì ngoài một cốt truyện hay thì việc tạo ra nhân vật ấn tượng cũng quan trọng không kém và chúng ta sẽ tìm hiểu về người đứng sau tạo ra các nhân vật là ai?

Thiết kế nhân vật là gì?

Thiết kế nhân vật được hiểu là tạo ra nhân vật cho truyện hoặc phim hoạt hình, có thể là nhân vật con người hoặc động vật, thực vật được nhân hóa lên. Thiết kế nhân vật không chỉ mang tính tạo hình mà còn phải quan tâm đến tính cách, đặc điểm cũng như trang phục, biểu cảm cho nhân vật đó. Người họa sĩ không chỉ thiết kế nhân vật chính mà còn cả các nhân vật phụ, khiến chúng tham gia vào mạch câu chuyện một cách sinh động, tự nhiên nhất để dẫn dắt khán giả.

Quy trình thiết kế nhân vật

1. Tạo hồ sơ nhân vật

Các họa sĩ thiết kế nhân vật bắt đầu từ khi kịch bản còn đang xây dựng, đạo diễn sẽ mô tả cho họ về nhân vật trông như thế nào, cần có tính cách ra sao, có điểm gì đặc biệt cần lưu ý không, là dạng nhân vật phe thiện hay phe ác … từ đó tạo nên hồ sơ cho từng nhân vật, càng liệt kê kỹ thì nhân vật sẽ càng dễ hình dung.

2. Nghiên cứu và tham khảo

Có các hồ sơ cụ thể cho từng nhân vật thì người họa sĩ sẽ tiến hành nghiên cứu và tham khảo các nhân vật từng được tạo ra ở các phim khác. Ví dụ một nhân vật là người máy sẽ cần nghiên cứu về các chi tiết lắp đặt để tạo hình cho chính xác, hay một nhân vật là cư dân miền biển sẽ khác với một cậu bé hướng đạo sinh năng động. Họ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng về độ tuổi, giới tính, tính cách và cả môi trường tác động đến nhân vật để ảnh hưởng về tạo hình, trang phục và phụ kiện hoặc vũ khí đi kèm khác nhau như tỉ lệ đầu – mình, tóc, biểu cảm gương mặt … Giai đoạn này có khi phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần thông qua ý kiến của đạo diễn, biên kịch, nhà làm phim thống nhất bàn luận với nhau để chọn ra bản hoàn hảo nhất.

Nguồn: graphicmama.com

3. Phác thảo

Sau khi có một lượng thông tin đầy đủ về nhân vật thì lúc này người thiết kế sẽ phác thảo các phương án, thông thường họ sẽ phải tạo ra hàng trăm thậm chí hàng ngàn bức trước khi hài lòng với tạo hình nhân vật. Họ sẽ sử dụng các hình khối để thông qua vẻ ngoài mà vẫn thể hiện được tính cách nhân vật, ví dụ hình tam giác thường được áp dụng cho nhân vật phản diện để thể hiện sự gai góc nguy hiểm, hình tròn lại thể hiện cho các nhân vật hiền lành hoặc trẻ tuổi, hình vuông thể hiện cho nhân vật có sức mạnh, sự vững chắc hoặc một người bảo thủ, khuôn khổ…

4. Tạo chi tiết cho bản phác thảo

Các bản phác thảo ở trước sẽ là những phương án tổng quát nhất để có thể lựa chọn ra được tạo hình cơ bản, từ đó đạo diễn chọn ra bản ưng ý và gần với ý tưởng nhất để người thiết kế thêm thắt chi tiết và thiết kế lại kỹ lưỡng hơn về nhân vật. Cũng là nhân vật đó nhưng sẽ thử thay đổi các phương án khác nhau như tỉ lệ đầu – mình, tóc, biểu cảm gương mặt … Giai đoạn này có khi phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần thông qua ý kiến của đạo diễn, biên kịch, nhà làm phim thống nhất bàn luận với nhau để chọn ra bản hoàn hảo nhất.

5. Màu sắc và phụ kiện

Màu sắc và phụ kiện phần nào cũng thể hiện tính cách nhân vật bên cạnh vẻ bề ngoài, như một người cô đơn sẽ có quần áo tối màu và đơn sắc hơn một người năng động vui vẻ. Mỗi nhân vật ít nhiều đều có phụ kiện đi kèm xuyên suốt và người họa sĩ cũng sẽ đảm nhiệm thiết kế phụ kiện đó, hoặc trong câu chuyện có hành trình thay đổi bản thân thì trang phục và phụ kiện cũng sẽ thay đổi để nhân vật lột xác, ví dụ như trong Frozen.

6. Hoàn thiện

Người họa sĩ sẽ cần tạo thêm các cử chỉ và góc nhìn, dáng đi đứng chạy ở tất cả các hướng để có một nhân vật hoàn thiện và sinh động nhất.

Nguồn: graphicmama.com

Các kỹ năng cần có để thiết kế nhân vật

Tạo hình

Người họa sĩ cần có kỹ năng kết hợp các hình khối để tạo ra hình dáng nhân vật.

Kỹ năng phác thảo vẽ tay

Đối với một số nhân vật hư cấu hay còn mông lung, người họa sĩ cần có khả năng vẽ tay để biến trí tưởng tượng thành thực tế trên giấy và cũng sẽ nhanh chóng trong việc tạo ra nhiều bản phác thảo ban đầu.

Nghiên cứu và phân tích

Tạo nên một nhân vật chân thực cần có sự đầu tư nghiên cứu về tạo hình, tâm lí, trang phục, vẻ ngoài, nhất là các nhân vật ở các nước khác nhau thì phải nghiên cứu thật kỹ để đảm bảo câu chuyện ở thời điểm đó, nền văn hóa đó thì sẽ có trang phục và tạo hình như thế nào.

Sáng tạo

Sẽ thật chán nếu các nhân vật trong một câu chuyện cứ na ná giống nhau đúng không, vì thế mà người họa sĩ phải sáng tạo sao cho mỗi nhân vật cần có đặc trưng riêng để tạo nên sự thú vị. Các bản phác thảo ban đầu có thể lên đến hàng trăm hàng ngàn nên sự sáng tạo sẽ thúc đẩy tạo thêm các phương án cho nhân vật, từ đó có nhiều sự lựa chọn hơn.

Kiến thức về tỉ lệ và giải phẫu

Cho dù có biến dạng về hình khối nhưng vẫn phải nắm rõ về tỉ lệ cũng như khung xương cho nhân vật để khi đổi tư thế khác thì vẫn nhìn ra nhân vật đó. Đồng thời người họa sĩ không chỉ nghiên cứu về giải phẫu người mà còn cả về cả động vật, thực vật để tạo các tỉ lệ chính xác nhất.

Hiểu về tâm lý, diễn xuất nhân vật

Tạo hình nhân vật luôn phải làm bật lên tính cách của họ nên việc hiểu về tâm lí là rất quan trọng, từ tâm lí đó họ sẽ thường có biểu cảm gì, thích mặc trang phục gì, màu sắc ra sao và các cử chỉ, diễn xuất cũng cần được vẽ một cách mượt mà và tự nhiên.

Họa sĩ thiết kế nhân vật làm việc với ai?

  • Nếu thiết kế nhân vật cho truyện tranh thì thường là tự người họa sĩ sáng tác một mình hoặc có tham khảo ý kiến nếu là một đội ngũ các tác giả.
  • Nếu thiết kế nhân vật cho phim thì lúc này họ sẽ làm việc với đạo diễn, biên kịch, nhà làm phim và họa sĩ diễn hoạt.
Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.
← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ