Phối màu trong Hội họa

Cuộc sống quanh ta luôn được tô điểm bởi sắc màu và trong nghệ thuật cũng vậy, màu sắc là yếu tố vô cùng quan trọng. Người họa sĩ có thể sử dụng màu sắc để thay lời nói thể hiện cảm xúc, tâm trạng thông qua bức tranh của mình. Tuy nhiên, để sử dụng màu sắc một cách hài hòa và hợp lý thì cần vận dụng những kỹ thuật nhất định. SineArt sẽ đưa ra một số gợi ý phối màu trong hội họa thông qua bài viết dưới đây nhé! 

Trước khi đi vào chủ đề chính, các bạn nên nắm được một số khái niệm cơ bản sau.

Vòng tròn thuần sắc

Vòng tròn thuần sắc (hay còn gọi là color wheel) là một hình tròn được tạo ra bằng cách trộn 2 màu trong số 3 màu căn bản trong tự nhiên là đỏ, vàng, xanh dương để tạo ra màu mới.

vòng tròn thuần sắc với 12 màu đậm dần từ ngoài vào trong

Vòng tròn thuần sắc - Ảnh: Internet

Trong vòng tròn thuần sắc sẽ có 3 màu bậc 1 (màu căn bản), 3 màu bậc 2 (được tạo ra từ việc kết hợp 2 màu căn bản), 6 màu bậc 3 (được tạo ra bằng cách kết hợp 2 màu bậc 1, hoặc màu bậc 1 và bậc 2). Pha trộn các màu lại với nhau ta gọi đó là hòa sắc.

màu đỏ kết hợp với màu vàng tạo thành màu cam

Kết hợp màu đỏ và vàng sẽ ra cam - Ảnh: Internet

Cấp bậc của màu sẽ dựa vào số màu mà bạn hòa sắc. Từ bậc 1 đến bậc 3 sẽ có 12 màu, từ bậc 1 tới bậc 4 sẽ có 24 màu, cứ theo đó mà tăng dần lên. Vì vậy, màu sắc có thể coi là vô số.

Màu sắc được phân ra thành 2 khối màu, đó là màu nóng và màu lạnh. Màu nóng là những gam màu tạo cho ta cảm giác ấm áp, rực rỡ, còn màu lạnh tạo cảm giác lạnh lẽo, thậm chí là u tối. Chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào sắc lạnh/ nóng để chọn tông màu chủ đạo cho bức tranh, qua đó truyền tải những cảm xúc, thông điệp tới người xem. 

Danh họa Picasso đã từng có một thời gian chỉ sử dụng sắc lạnh trong những tác phẩm của mình, đây cũng là khoảng thời gian tăm tối trong cuộc đời ông. Vì vậy mà nhìn chung các tác phẩm của ông trong thời kì này khá u tối, lạnh lẽo.

một cô gái trong một căn phòng lộn xộn, tăm tối

Ảnh: Internet

Sắc độ

Tương tự như trong tranh chì, tranh màu cũng có sắc độ khác nhau. Hai sắc độ cơ bản là đen và trắng. Thực chất đen và trắng không được coi là màu sắc, vì chúng không mang sắc độ, chúng được sử dụng để kết hợp với các màu khác và cho ra những sắc độ tươi sáng, trầm tối khác nhau.

Ví dụ như bạn kết hợp màu đỏ với màu đen, sắc độ của màu đỏ sẽ tối dần rồi chuyển thành đen hẳn. Còn khi kết hợp với màu trắng, sắc độ sẽ trở nên tươi sáng.

Màu đen kết hợp với trắng sẽ cho ra màu xám. Màu xám này rất khó phối màu nên các bạn cần lưu ý hạn chế dùng màu xám nhé.

các sắc độ trắng đen trong hội họa, từ trắng tới xám và chuyển dần sang đen

Bảng sắc độ trắng đen - Ảnh: Internet

Vậy là bạn đã hiểu được những khái niệm cơ bản về màu sắc, để hòa sắc tốt thì bạn cần có kỹ thuật pha màu tốt. Bạn có thể tham khảo thêm trong bài viết “Pha màu sao cho hiệu quả” tại ĐÂY nhé! Và bây giờ thì chúng ta qua mục chính của bài: Phối màu.

1. Phối màu là gì?

Hiểu đơn giản thì phối màu là phương pháp sử dụng màu sắc có chủ đích của họa sĩ, các màu được đặt cạnh nhau theo những quy tắc nhất định để tạo sắc thái cho bức tranh.

Một bức tranh đẹp sẽ cần sự sáng tạo, kết hợp tinh tế giữa các màu sắc. Trong một bức tranh sẽ có màu chủ đạo, màu bổ trợ, màu trung gian, ba yếu tố trên giúp tạo độ nhấn nhá, tô điểm, sắc tươi có, sắc trầm có, làm cho bức tranh thêm hài hòa hơn. Tất nhiên, không phải đặt bừa màu vào trong tranh là đẹp, mà sẽ cần tới những kiến thức, kỹ thuật riêng.

2. Phối đơn sắc

Đây là phương pháp phối màu phổ biến, các bạn sẽ chỉ sử dụng một màu duy nhất, kết hợp với màu trắng hoặc đen để cho ra các sắc độ màu khác nhau. Để sử dụng phương pháp này, bạn cần nắm vững các quy tắc, kĩ thuật pha màu, chỉnh sắc độ màu.

vòng tròn thuần sắc với tông màu tím được làm nổi bật

Ảnh: Internet

các sắc độ đậm nhạt của màu lam

Ảnh: Internet

3. Phối màu bổ túc

Đây là phương pháp sử dụng các cặp màu bổ túc, các màu đối diện nhau trên vòng tròn thuần sắc.Ví dụ như các cặp màu: đỏ - xanh lá, vàng - tím, xanh lam - cam,... 

vòng tròn thuần sắc với hai màu tím và vàng được dùng để hòa sắc

Cặp màu bổ túc vàng - tím _ Ảnh: Internet

Thương hiệu Gucci, một thương hiệu thời trang nổi tiếng quốc tế thường sử dụng màu đỏ và xanh lá cây cho các bộ sưu tập thời trang của mình.

logo thương hiệu thời trang Gucci với hai màu xanh và đỏ kết hợp với chữ g kép

Sắc đỏ và xanh lá cây trong logo của thương hiệu thời trang quyền lực Gucci - Ảnh: Gucci

4. Phối màu tương đồng

Là phương pháp sử dụng những nhóm màu liền kề nhau trong vòng tròn thuần sắc. Phương pháp này giúp tạo cảm giác dễ chịu cho người xem.

vòng tròn thuần sắc được hòa sắc với 3 tông màu

Phối màu tương đồng - Ảnh: Internet

5. Phối màu tam giác

Phương pháp phối màu tam giác sẽ sử dụng 3 màu trên vòng tròn thuần sắc. 3 màu khi kết hợp lại chính là 3 đỉnh của một tam giác. 

vòng tròn thuần sắc được hòa sắc theo phương pháp phối màu tam giác

Phối màu tam giác - Ảnh: Internet

6. Phối màu bộ 4

Tương tự như phương pháp phối màu bộ ba nhưng ở phương pháp này, người họa sĩ sẽ sử dụng 4 màu cho hòa sắc. 4 màu khi kết hợp lại tạo thành 4 đỉnh của hình vuông hoặc chữ nhật, màu bộ 4 sẽ có 3 màu bổ trợ và một gam màu chính. Đây là phương pháp tương đối khó, vì vậy mà yêu cầu người vẽ có kỹ thuật hòa sắc tốt, chuyên môn cao. Phối màu bộ 4 sẽ giúp bức tranh lung linh và linh hoạt về màu sắc, tạo hiệu ứng thị giác tốt hơn.

vòng tròn thuần sắc được hòa sắc theo phương pháp phối màu bộ 4

Phối màu bộ 4 - Ảnh: Internet

7. Phối màu vuông góc

Phương pháp này sẽ sử dụng các cặp màu vuông góc để hòa sắc với nhau, cũng khá giống với phối màu bổ túc.

vòng tròn thuần sắc với hai màu lam nhạt và vàng được dùng để hòa sắc

Phối màu vuông góc - Ảnh: Internet

ứng dụng vòng tròn thuần sắc trong phối đồ

Phối màu được ứng dụng vào thời trang - Ảnh: Cô em Trendy

 

Trên đây là những phương pháp phối màu trong hội họa, nghệ thuật. Tuy vậy, nghệ thuật không giới hạn sự sáng tạo một cách rập khuôn, các bạn hãy linh động sử dụng những phương pháp phối màu khác nhau, tìm ra phương pháp phù hợp để tạo nên nét cá tính riêng trong bức tranh của mình.

Lĩnh vực hội họa dù có phần thiên về năng khiếu, nhưng cũng yêu cầu người học phải có những kỹ năng, kiến thức nhất định. Đối với những bạn đam mê vẽ và có ước mơ theo khối ngành mỹ thuật, sáng tạo, các bạn nên xây dựng lộ trình luyện thi vẽ từ sớm. Hiểu được nhu cầu và những lắng lo này, hiện SineArt đang chiêu sinh cho khóa học Luyện thi Hình họa, Luyện thi Bố cục màuLuyện thi Trang trí màu. Với lộ trình được xây dựng bài bản, chi tiết, SineArt mong muốn được đồng hành cùng các bạn trên con đường chạm tới ngưỡng cửa đại học mơ ước.

Liên hệ với Sine qua Fanpage để có thêm thông tin chi tiết về khóa học nhé!

Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.

← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ