Môn Thiết kế bao bì

Hãy tưởng tượng khi đi vào siêu thị, bạn thấy hai loại nước trái cây khác nhau và cảm giác một nhãn trông ngon hơn nhãn kia. Điều gì khiến bạn chọn nhãn đó? Đây cũng là điều mà nhiều Nhà thiết kế nghĩ đến khi thiết kế bao bì. 

Nếu như thương hiệu làm nên nhận diện sản phẩm, thì bao bì chính là trang phục cho sản phẩm đó, giúp người mua hàng nhận biết đó là thương hiệu nào, sản phẩm là gì, lẫn phân khúc ra sao. 

Nếu bạn đi trong siêu thị và phân biệt đâu là kem đánh răng, đâu là dầu gội đầu, hay bao bì bột giặt khác thế nào với bánh snack, bia đựng trong chai thuỷ tinh khác với nước ngọt đựng trong chai nhựa,… Tất cả công việc đó cũng đều do Nhà thiết kế bao bì tạo nên.

Thiết kế bao bì sản phẩm. Nguồn: Graphic Wave on Behance

Vậy công việc thiết kế bao bì là gì?

Đầu tiên chúng ta cần hiểu được bao bì là gì? Dễ hiểu thì bao bì là thứ dùng để chứa đựng và bảo vệ hàng hóa, đồng thời còn để phân biệt các thương hiệu với nhau và dễ nhìn thấy nhất từ bên ngoài. Vậy thiết kế bao bì là việc chọn lọc về cấu trúc, vật liệu để đựng sản phẩm và tạo ra sự thu hút từ việc kết hợp hình ảnh, màu sắc, font chữ sao cho tiện dụng, tiết kiệm chi phí mà vẫn gây được ấn tượng với khách hàng.

Bao bì cần đảm bảo về mặt nội dung của sản phẩm, to rõ, font chữ dễ đọc và dễ hiểu với người tiêu dùng đồng thời cần đảm bảo các đặc điểm nhận dạng như là chất tẩy rửa thì thường có màu sáng và hình trái chanh, nước giải khát vị cam luôn có hình trái cam… Những chi tiết đó sẽ giúp người mua hiểu ngay sản phẩm đó là gì, dù trên bao bì có là tiếng nước ngoài.

Quy trình của việc thiết kế bao bì?

1. Tìm hiểu về sản phẩm trước khi thiết kế

Đầu tiên, nhà thiết kế cần tìm hiểu về sản phẩm như là loại sản phẩm gì, có bao nhiêu sản phẩm trong một hộp, làm sao để bảo vệ chúng khi đang vận chuyển, thời gian sản xuất, đặc điểm của thương hiệu mà mình đang thiết kế … bên cạnh đó còn phải nghiên cứu tâm lý khách hàng, đối tượng nào sẽ thích mặt hàng này và họ mong muốn gì, nơi sắp đặt trên kệ hàng và khi đặt cạnh các sản phẩm cùng loại khác. Tất cả đều phải nghiên cứu và tìm tòi thật kỹ thì mới có thể thiết kế được.

2. Thiết kế cấu trúc cho bao bì

Sau khi xác định được loại sản phẩm, các đặc tính của sản phẩm thì nhà thiết kế sẽ đưa ra các giải pháp về loại bao bì để bảo vệ và vận chuyển. Họ sẽ chọn lọc vật liệu cũng như cấu trúc, kích thước của bao bì như thế nào, nên làm hộp hay chai lọ, chất liệu nhựa hay thủy tinh, loại hộp này có dễ dàng đóng mở hay không, có thiết kế hộp thú vị nào khác dễ gấp mà khiến người dùng thích thú khi cầm không? Ví dụ khi đặt mình là người dùng xà phòng rửa tay, chúng ta sẽ trải qua bước rửa nước, lấy xà phòng rồi rửa kỹ lại bằng nước vậy thì vòi tiện lợi có thể nhấn trong một ngón tay được xem là giải pháp thuận tiện nhất để người dùng không phải dùng cả hai tay đang bẩn để nhấn vòi.

Thiết kế cấu trúc bao bì

3. Thiết kế vỏ ngoài cho bao bì

Lúc này cần quan tâm xem bao bì muốn đem lại cảm giác gì cho người dùng, cảm giác xịn sò sang chảnh hay thân thiện, dễ thương… từ đó tìm cách để thể hiện qua hình ảnh, font chữ và màu sắc. Ví dụ hộp kem vị dâu thì nên có màu hồng để khách hàng dễ liên tưởng hoặc chai nước hoa cần thiết kế có vẻ ngoài sang trọng. Các nhà thiết kế bao bì sẽ tìm ra thật nhiều ý tưởng để phác thảo trước khi có thể bắt tay vào thiết kế.

Thiết kế vỏ ngoài bao bì

4. Chọn vật liệu cho bao bì

Nếu ở bước thiết kế cấu trúc, chúng ta có thể hình dung ra được hình dáng của loại bao bì đó thì ở bước này, cần chọn được vật liệu có thể sử dụng cho bao bì. Nên là vật liệu nhám hay bóng, chữ in lên sẽ như thế nào, tạo cảm giác ra sao, hay là chất liệu giấy thân thiện môi trường và tái sử dụng? Bên cạnh việc chọn vật liệu cho phù hợp với sản phẩm thì các nhà thiết kế còn phải hiểu về quá trình in ấn và sản xuất để tối ưu chi phí cho bao bì, làm hạ giá thành sản phẩm cho doanh nghiệp để cạnh tranh trên thị trường, chứ không phải chỉ quan tâm đẹp mà lại gia công phức tạp và tốn chi phí.

5. Điều chỉnh và hoàn thiện

Sau khi đã cân đo đong đếm và thiết kế được các mẫu rồi, sẽ tiến hành làm 3D, mô hình, in thử trên các loại giấy để xem độ gấp, kích thước thực tế và hiệu quả nó mang lại có giống những gì họ hình dung hay không từ đó điều chỉnh để bao bì vừa khít, đẹp mắt nhất và đưa ra thông số để sản xuất hàng loạt.

Kỹ năng cần có của nhà thiết kế bao bì?

Khả năng quan sát, tìm tòi nghiên cứu

Bạn cần tìm hiểu về các xu hướng bao bì hiện tại, xu hướng thiết kế bao bì cũng như nghiên cứu thị trường, phân tích nhu cầu mong muốn của khách hàng để đưa ra các giải pháp bao bì hiệu quả, ấn tượng.

Sáng tạo

Hầu như các ngành nghề liên quan đến thiết kế đều cần đến kỹ năng này, để đảm bảo cùng là loại sản phẩm đó nhưng tại sao bao bì của bạn lại bắt mắt hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Sự sáng tạo có thể ở hình dáng bao bì, cách gấp mở, chất liệu sử dụng, nội dung và cả hình thức của bao bì.

Hình khối, tạo hình

Tạo ra được hình dáng cho bao bì, hình dáng nào là thuận tiện nhất đối với hành vi tiêu dùng hoặc các thao tác gấp mở để đảm bảo tính tiện lợi, đơn giản nhưng vẫn mang đến sự thú vị, ấn tượng.

Thiết kế cấu trúc bao bì

Branding, nhận diện thương hiệu

Kết hợp hình ảnh, font chữ, màu sắc và logo, tên thương hiệu để làm nổi bật bao bì.

Kỹ thuật, chất liệu

Dựng lên các mô hình sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất, tính toán về kích thước cũng như độ gấp bao bì sao cho vừa khít, đưa ra các thông số và tính toán chi phí vừa đủ để có thể sản xuất hàng loạt. Bên cạnh đó nhà thiết kế còn cần am hiểu về các loại chất liệu sử dụng trong đóng gói bao bì.

Sử dụng các phần mềm

Khả năng thiết kế trên máy cũng như sử dụng các phần mềm 2D và 3D.

Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.

← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ