Môn Luật xa gần

 

Khái niệm Luật xa gần

Luật xa gần (hay còn gọi là phối cảnh) là môn học về quy luật thể hiện không gian 3 chiều trên giấy hoặc một mặt phẳng. Bất kì vật gì trong thực tế đều sẽ có chiều dài, chiều rộng, chiều cao và để thể hiện độ sâu này trên trang giấy thì người họa sĩ phải dùng đến phương pháp phối cảnh. Phương pháp này có những quy luật nhất định như các đường song song sẽ luôn tụ lại một điểm, những vật ở gần thì to, rõ, tương phản phản mạnh còn ở xa thì nhỏ và mờ.

Học về luật xa gần sẽ giúp ta diễn tả được mọi thứ trong thực tế một cách chính xác hơn, không bị sai hình và méo mó. Đồng thời cũng có lợi ích khi ta muốn thể hiện bố cục trong tranh, nhất là các góc nhìn khác lạ thì việc nắm rõ phối cảnh sẽ dựng hình dễ dàng hơn. Có các phối cảnh 1-2-3 điểm tụ cùng với nhiều hướng nhìn như chính diện, nhìn nghiêng, từ trên xuống, từ dưới lên, thậm chí có cả phối cảnh mắt cá để diễn tả ý đồ riêng của nó. 

Quy trình học môn luật xa gần?

1. Hiểu các khái niệm

Có một số khái niệm về môn học này mà bạn cần phải nắm rõ trước khi có thể bắt tay vào áp dụng. Ví dụ bạn phải hiểu đường chân trời, đường tầm mắt là gì, điểm tụ là gì, trường hợp nào thì áp dụng phối cảnh 1-2-3 điểm tụ … Những khái niệm này cũng đơn giản thôi nhưng nếu bạn chưa từng biết đến phối cảnh thì cần làm quen với chúng thông qua nhiều hình ảnh minh họa khác nhau nếu không sẽ dễ bị rối khi thấy quá nhiều đường thẳng nối lại trong tranh.

2. Áp dụng cho các hình khối cơ bản và tĩnh vật

Bạn sẽ bắt đầu với các hình đơn giản như hình vuông, tròn, tam giác khi đặt theo phối cảnh thì như thế nào. Hình vuông có cặp cạnh song song tụ lại một điểm, hình tròn nội tiếp hình vuông thì quay lại quy luật đó, cứ như thế áp dụng cho các khối 3D như khối lập phương, khối tròn, khối trụ, khối chóp tam giác. Bạn phải biết về trục của khối đó cũng như các cặp cạnh song song của khối thì mới ứng dụng phối cảnh vào được. Với mỗi một khối như vậy, bạn có thể tiếp tục hình dung các loại tĩnh vật tương ứng để dựng hình ra. Đi từ những hình đơn giản sẽ giúp bạn dễ làm quen và luyện tập được nhiều hơn, vì cho dù hình có phức tạp cỡ nào chỉ cần đưa được về khối cơ bản, phân tích ra cấu trúc thì đều trở nên dễ dàng, dễ hình dung.

3. Áp dụng trong tranh, hình phức tạp

Giai đoạn bạn đã quen thuộc với các hình khối cơ bản và tĩnh vật rồi, thì đến lúc bạn áp dụng nó vào các hình phức tạp hơn. Như tĩnh vật có nhiều chi tiết thì áp dụng phối cảnh thế nào, hay một tổ hợp nhiều vật khác nhau thì ngoài điểm tụ còn phải tuân theo quy luật gần to – xa nhỏ, gần rõ – xa mờ. Bạn cũng có thể áp dụng vào các tranh phong cảnh khi vẽ phố phường, nhà cửa hoặc các công trình kiến trúc, đừng nhìn vào chi tiết mà hãy nhìn vào khối chính của tòa nhà, tìm ra các cặp cạnh song song để áp dụng điểm tụ. 

4. Phối cảnh ở người

Không chỉ khối và tĩnh vật mà ở người vẫn có phối cảnh, thể hiện cả trong chân dung và toàn thân. Bạn thử để ý các trục mắt – mũi – miệng vẫn là những trục ngang song song và khi nhìn nghiêng chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi phối cảnh, hay khi vẽ người toàn thân, phần chân đưa ra phía trước thì sẽ to hơn và được diễn tả kỹ hơn chân còn lại. Lúc này không cần phải dựng điểm tụ ra mà sẽ mặc định hiểu phối cảnh trong đầu, để biết trục nào cần nghiêng nhiều hay ít là được. 

Nguồn: Pinterest

5. Phối cảnh nâng cao, đặc biệt (3 điểm tụ, mắt cá)

Phần này là một phần nâng cao thêm, có một số phối cảnh đặc biệt như phối cảnh 3 điểm tụ hay phối cảnh mắt cá với sự biến dạng cũng nhiều hơn. Khi bạn đã nắm rõ các phối cảnh cơ bản và muốn làm cho bố cục đặc sắc hơn thì có thể sử dụng các phối cảnh đặc biệt này.

Nguồn: Pinterest

Các kỹ năng cần có để học môn luật xa gần

Khả năng tưởng tượng trong không gian

Để vẽ phối cảnh bạn cần có khả năng này để tưởng tượng ra khối, nhất là các khối phức tạp, chồng lấp lên nhau, biết các đường nào song song nhau, hay phải hình dung cả mặt thấy và mặt khuất.

Phác thảo với các nét dài

Khi vẽ phối cảnh cần dựng các trục dài để nối về điểm tụ nên bạn cũng không thể cứ mãi dùng thước mà nên tập phác thảo với các nét dài, không chỉ với môn này cũng có ích trong việc dựng hình tổng thể.

Tỉ lệ và đo đạc

Kích thước đường nét trong phối cảnh có thể bị biến dạng nhưng nó vẫn tuân theo tỉ lệ 1/2, 1/3 cho dù có thu nhỏ hay phóng to. Vì vậy bạn nên đo đạc tỉ lệ theo phối cảnh, cũng như luyện tập xác định trung điểm của đoạn thẳng.

Cấu trúc

Mỗi khối sẽ có cấu trúc về trục cũng như các cặp cạnh song song, và với các khối phức tạp vẫn quay về cấu trúc của khối cơ bản. Có được khả năng này thì bạn sẽ dễ áp dụng phối cảnh vào và vẽ chính xác về hình hơn, không bị méo mó. 

Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.

← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ