Tô màu trong bài Trang trí sao cho đẹp?

Tô màu trong bài Trang trí là một bước quan trọng quyết định tranh của bạn có đẹp hay không, đây là một quá trình luyện tập lâu dài và có rất nhiều điểm cần phải lưu ý. SineArt sẽ đưa ra một số điểm lưu ý để giúp bạn có thể làm tốt bài của mình hơn.

1. Xác định chính phụ

Phần chính:

Trên bài nên xác định 3 điểm, điểm chính, điểm phụ 1 và điểm phụ 2. Điểm chính là điểm sáng nhất, là đối tượng chính mà bạn muốn tập trung làm rõ, điểm chính sẽ nắm giữ phần lớn nội dung của bài Trang trí. Thường thì ở vị trí này có nhiều mảng nét hơn và phức tạp hơn những điểm còn lại. Điểm chính sẽ được đặt vào một trong bốn điểm vàng của tranh, màu sắc thì luôn luôn tươi hơn, rực rỡ và sáng hơn các đối tượng khác. 
 

Hai đường thẳng chia chiều dài của hình chữ nhật làm 3 phần và hai đường thẳng chia chiều rộng của một hình chữ nhật thành ba phần cắt nhau tại bốn điểm nằm giữa hình chữ nhật

Bốn điểm vàng của tranh - Nguồn: Google

Điểm phụ 1 và điểm phụ 2 sẽ là hai điểm bổ trợ cho điểm chính, giúp bức tranh được cân bằng hơn. Điểm phụ 1 tối hơn điểm chính và sáng hơn điểm phụ 2, điểm phụ 1 có nhiều mảng hơn điểm phụ 2. 

Phần phụ:

Phần phụ ở đây sẽ là nền và những chi tiết khác, phần phụ thường sẽ tối hơn, kém tươi hơn và chiếm nhiều diện tích hơn phần chính.
 

2. Màu nóng - lạnh, tương đồng - tương phản

Màu nóng là những tông màu nằm ở nửa bên của vòng tròn thuần sắc gồm các màu như cam, đỏ,... Màu lạnh là những màu nằm ở nửa bên còn lại như xanh lá, xanh lam, tím,... (hình bên dưới)
Màu tương đồng là các màu nằm kề nhau trong vòng tròn thuần sắc, gồm các màu tương đồng nóng và tương đồng lạnh. Màu tương phản là các màu đối nhau trong vòng tròn thuần sắc, ví dụ 3 cặp màu tương phản cơ bản là: vàng - tím, đỏ - xanh lá, cam - xanh dương,... Tương phản cũng gồm tương phản nóng và tương phản lạnh. 
Có thể phối màu tương đồng hoặc tương phản tùy theo nhu cầu và khả năng của bạn, tuy nhiên màu tương phản sẽ dễ làm nổi bật đối tượng hơn. 

vòng tròn với nhiều màu sắc cầu vồng được chia làm hai nửa

Màu nóng màu lạnh - Nguồn: Google

3. Cách sử dụng hòa sắc trong bài

Hòa sắc tương đồng

Hòa sắc tương đồng nóng là sử dụng những màu nóng và hòa sắc tương đồng lạnh là sử dụng những màu lạnh theo tỉ lệ 80% nóng và 20% lạnh hoặc 80% lạnh và 20% nóng. 20% này dùng để cân bằng thị giác và các màu này sẽ không phải là màu nguyên bản mà được ảnh hưởng bởi gam màu chủ đạo của nó. Ví dụ hòa sắc tương đồng nóng thì 20% màu lạnh trong bài cũng phải được pha nóng. 
 

Hai ngôi sao to và hai ngôi sao nhỏ màu vàng nằm trên nền đỏ

Bài có hòa sắc tương đồng nóng

Tòa nhà màu xanh và chiếc xe hơi màu xanh

Bài có hòa sắc tương đồng lạnh

Hòa sắc tương phản

Hòa sắc tương phản có 2 dạng là tương phản nhấn nóng và tương phản nhấn lạnh. Tương phản nhấn nóng sẽ có 70% lạnh và 30% nóng, tương phản nhấn lạnh sẽ có 70% nóng và 30% lạnh. Phần chiếm 70% là màu nền, phần 30% là họa tiết chính và những phần mà bạn cần nhấn mạnh trong bài. Do đóm thường thì tương phản nhấn nóng sẽ dễ sử dụng hơn vì những họa tiết có màu nóng dễ hút mắt và nổi bật hơn. 
 

Trái mận và trái táo được cách điệu nằm trong hình tròn

Bài có hòa sắc tương phản

Hoà sắc trung tính

Gam màu này thường ít phổ biến trong Trang trí bởi rất khó sử dụng và khó điều khiển, cũng khó có thể làm nổi bật họa tiết chính. Gam trung tính là sự cân bằng tỉ lệ 2 màu nóng - lạnh, tuy nhiên các màu này cần được trung hòa để trở nên bớt nóng - bớt lạnh và dung hòa được với nhau. Màu nóng thì có thể pha thêm chút lạnh hoặc màu lạnh thì có thể pha thêm chút nóng, ngoài ra chúng ta cũng có thể pha thêm tím.
 

4. Tô màu theo quy trình

Để cho quá trình tô màu được diễn ra thuận lợi hơn thì bạn nên định hướng tông màu cho bài và sau đó tô từ nền lên họa tiết chính.

Lưu ý khi tô

  • Có những màu như xanh lam, khi màu khô sẽ sáng hơn khi ướt nên trước khi tô lên bài, bạn hãy thử tô ra nháp để xác định màu đã đạt được sắc độ như ý muốn chưa. 
  • Khi tô sai nên đợi màu khô rồi sửa lại bằng lớp màu khác, tránh tô chồng lên khi màu còn ướt.
  • Nên tô từ viền đi vào, sử dụng cọ Hand để tô phần viền và cọ dẹt để tô phần bên trong thì sẽ nhanh hơn.
  • Sắc độ trong bài phải khác nhau, các mảng phải tách bạch nhau thì bài mới trong trẻo được. 
 
Hiện SineArt đang chiêu sinh các lớp luyện thi vẽ dành riêng cho các bạn muốn thi vào Đại học Mỹ Thuật TP.HCM, mời bạn xem thêm về Khóa học luyện thi Hình họaKhóa học luyện thi Bố cục màu
Liên hệ với Sine qua Fanpage để được tư vấn và đăng ký học nhé!
Các bạn tham gia group LUYỆN THI VẼ - HỎI ĐÁP THÔNG TIN trên Facebook để giải đáp thắc mắc về trường thi, ngành học và tips vẽ nhé.
← Bài trước Bài sau →

Thêm thông tin về Sine Art

Đăng kí nhận lộ trình luyện thi vẽ